TPHCM đặt trọng tâm phát triển đường biển với thế giới
(Thanhuytphcm.vn) – Sáng ngày 12/9, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển (1994-2024).
Tại buổi lễ, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh rằng với vị trí địa lý và điều kiện kinh tế thuận lợi, TPHCM đang trên đà trở thành trung tâm logistics lớn nhất cả nước và có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông bày tỏ lòng biết ơn đến Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, vì trong suốt ba thập kỷ qua, hiệp hội đã đồng hành và đóng góp quan trọng vào việc củng cố vị trí của thành phố trong lĩnh vực kinh tế biển, cảng biển và logistics, đồng thời góp phần định hướng các chính sách phát triển kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, trong chiến lược phát triển sắp tới, TPHCM sẽ phối hợp với khu vực Đông Nam Bộ để kết nối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, với tinh thần “bám sông, hướng biển”, nhằm mở rộng hơn nữa các cơ hội giao thương với thế giới. Để những nỗ lực này đạt hiệu quả cao, ông đề nghị cần có cơ chế gặp gỡ và đối thoại về chiến lược chính sách giữa TPHCM và Hiệp hội cùng các hội thành viên, nhằm đảm bảo sự phù hợp trong việc hoạch định và đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
TPHCM cũng sẽ tiếp tục triển khai di chuyển các cảng nội thành ra ngoài, gắn với phát triển đô thị cảng Hiệp Phước và mở rộng các cảng trên hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Đồng thời, để mở rộng hướng biển, thành phố sẽ tiến hành các dự án giao thông kết nối liên cảng, như vành đai 2, vành đai 3, cũng như các dự án cao tốc, với mục tiêu hoàn thành trước năm 2030. Hiện tại, TPHCM đang rà soát và nâng cấp các dự án để trở thành trung tâm dịch vụ lớn, trong đó có lĩnh vực logistics và tài chính, là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của kinh tế cảng biển.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ và tham gia tích cực từ Hiệp hội Cảng biển và các doanh nghiệp hoạt động tại thành phố. Ông kêu gọi các doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng của TPHCM và Đông Nam Bộ để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vị thế khu vực và quốc tế, đồng thời khẳng định rằng các doanh nghiệp cảng cần được xây dựng theo tiêu chí “hiện đại, thông minh, xanh, kết nối và hội nhập quốc tế”.
Trong báo cáo tại buổi lễ, Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, ông Lê Công Minh, cho biết hiệp hội đã được thành lập từ năm 1994 và hiện có 84 thành viên là các cảng biển trải dài ba miền Bắc, Trung, Nam. Các cảng lớn của Việt Nam đều nằm trong hiệp hội. Từ 24 cảng thành viên sáng lập ban đầu, đến nay VPA đã có 82 doanh nghiệp cảng biển hội viên. Hàng năm, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển của VPA chiếm khoảng 60% tổng lượng hàng hóa bách hóa, hàng rời, hàng lỏng và khoảng 90% hàng container của cả nước.
Tính đến cuối năm 2023, 81 cảng thành viên hiệp hội đã khai thác được hơn 359 triệu tấn hàng xuất nhập khẩu nội địa, trong đó có hơn 17,7 triệu TEU container.
Dự báo đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ tăng gấp 1,6 – 2,1 lần, và đến năm 2050, con số này sẽ gấp 4,1 – 4,8 lần so với hiện tại. Để đáp ứng nhu cầu này, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ được quy hoạch phù hợp với các quy định pháp luật, lợi thế tự nhiên, và nhu cầu phát triển kinh tế của từng vùng, đồng thời phân cấp vai trò của từng cảng và định hướng các phương thức kết nối, tạo thành một thể thống nhất trong quản lý và phát triển.
Theo Minh Hiệp – hcmcpv.org.vn